5 PHONG TỤC NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Ngày Tết cổ truyền luôn là dịp để người người nhà nhà sum vầy quây quần ăn Tết với nhau. Tết Việt Nam gắn liền với các phong tục ngày Tết hết sức thiêng liêng và cao quý. Đây là những phong tục truyền thống quan trọng và không thể thiếu để có thể ăn một cái Tết ấm cúng và vui vẻ, cầu mong cho một năm mới rũ bỏ mọi buồn phiền, xui xẻo năm cũ, để cầu tài – lộc – may năm mới. 

1. Gói Bánh Chưng

Việc thờ cúng bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh được nhiều bình diện cuộc sống. Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hóa của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.

2. Chơi hoa dịp Tết

Nhiều người cho rằng mua hoa kiểng phải chọn cả thế và dáng đứng của cây, thế cây vững chãi, cành lá sum suê, có cả lá, lộc, chồi, nếu có quả thì phải đủ quả chín, quả xanh… như vậy mới hội tụ đủ nét tứ quý cho một năm.  Điều đó cũng biểu hiện sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ. Có những người đi chợ hoa không mua hoa nhưng để thưởng thức, để ngắm nhìn không khí Tết. Đặc biệt, vào những buổi tối, tiết trời hơi se lạnh một chút, người đi chợ hoa ngắm nghía, lựa chọn như là cái cớ để được đi chợ hoa.

3. Mâm ngũ quả ngày Tết

Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, trong mỗi gia đình người Việt dường như không thể thiếu được mâm ngũ quả trên bàn thờ ông bà, Tổ tiên. Mâm ngũ quả là một mâm có năm loại trái cây khác nhau, thường được các gia đình Việt chuẩn bị để lên bàn thờ trong những ngày Tết nguyên đán. Thông qua tên gọi của năm loại trái cây, mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó những mong muốn khác nhau cho năm mới. Tùy vào vùng miền và thời kỳ mà hiện nay, mâm ngũ quả mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh.

4. Thăm mộ tổ tiên

hăm mộ tổ tiên Từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp, nhiều gia đình Việt thường tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Tục thăm mộ tổ tiên như một nét văn hóa nhắc nhớ con cháu phải nghĩ đến ông bà gia tiên mỗi độ xuân về.

5. Đón giao thừa

Giao thừa bắt đầu từ thời khắc 0 giờ: 0 Phút: 0 giây, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bước sang ngày đầu tiên của năm mới đánh dấu kết thúc năm cũ theo âm lịch. Một trong những phong tục truyền thống không thể thiếu trong đêm giao thừa chính là cúng giao thừa. Tuỳ vào mỗi vùng miền và địa phương mà có cách bài trí và lễ cúng khác nhau. Tuy nhiên chung quy lại lễ cúng giao thừa vẫn mang ý nghĩa xua đi những xui xẻo, vận đen đeo bám từ năm cũ, đón năm mới sẽ tốt đẹp hơn.