Đối với người Việt, Tết cổ truyền là những ngày trọng đại nhất trong năm. Dù thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền núi, đất liền hay đảo xa, trong hay ngoài nước, cứ Tết đến xuân về là mỗi người lại nhớ về quê hương, nguồn cội. Tết đã góp phần tô đậm bản sắc văn hóa và là lẽ sống in sâu vào tâm thức người Việt.
Những phong tục truyền thống trong dòng chảy thời gian
Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lâu đời của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tết còn chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc.
Theo phong tục, Tết Nguyên Đán được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết), kéo dài đến mồng bảy Tết, trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán – Tết đầu năm mới. Dù khác nhau về thành phần dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, giai tầng xã hội; song các phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, tân niên, mừng tuổi thì cơ bản giống nhau. Các phong tục này răn dạy con người nhớ về nguồn cội, sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thuận hòa với anh em người thân, có trách nhiệm với cộng đồng, tình làng nghĩa xóm.
Biểu tượng của Tết với nhiều người chính là hoa mai, hoa đào và bánh trưng. Hình ảnh những cành đào đỏ thắm hay cành mai vàng bên mâm ngũ quả mang theo mong ước về một năm mới an lành, may mắn và thịnh vượng. Bên nồi bánh chưng đang đỏ lửa, ông bà cha mẹ kể cho con cháu nghe về truyền thống gia đình, về ân đức tổ tiên, qua đó giáo dục con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về lễ hiếu và cách gìn giữ trân trọng truyền thống. Tất cả tạo nên một Tết Việt rất đậm đà, rất riêng biệt, không hề giống với bất cứ một đất nước nào.
Ý nghĩa quan trọng nhất trong Tết Việt là sự đoàn viên. Theo truyền thống, ở mỗi gia đình Việt vào dịp Tết, dù ai đi đâu, làm gì, xa xôi cách trở thế nào, đều cố gắng trở về nhà. Hướng về nguồn cội với người Việt không chỉ là tình cảm dành cho người đang sống mà còn bao hàm cả những thế hệ đã khuất. Trong gia đình, nơi được trang hoàng, sắp đặt cẩn trọng nhất vào dịp Tết là bàn thờ gia tiên, bởi nơi đó vong linh sẽ về ngự trị, cùng sum vầy ăn Tết. Truyền thống đó được bồi đắp, tôn tạo qua các thế hệ để hình thành nên những hệ giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh những “thủ tục” chung vốn đã và đang quen thuộc với mọi thế hệ ở hầu khắp mọi nơi, có những địa phương lại có những phong tục độc đáo, mang bản sắc riêng. Người Mường ở Ba Vì, Hà Nội luôn có một màn hát múa ca ngợi về cây đa cổ nghìn tuổi trong làng; Dân tộc Sán Dìu ở Lục Nam, Bắc Giang tự cất rượu để uống và mời khách trong những ngày Xuân hay như người Mông có tục dán giấy bạc đã chạm trổ đục thành hình tiền và dán vào tường và dán giấy vào các công cụ sản xuất… Chính những nét riêng độc đáo đó đã tạo nên những bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú trong bức tranh văn hóa Tết của Việt Nam.
Mặc dù đất nước đổi mới, những nghi lễ tập tục cũng được “uyển chuyển” để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song những phong tục, ghi lễ trong Tết vẫn trường tồn mãi mãi. Đây chính là những nét đẹp văn hóa thuần khiết có tính lịch sử và là niềm tự hào của người Việt Nam.